Tình hình hai bên Chiến_dịch_Phú_Xuân_1786

Ngay sau khi hạ được thành Phú Xuân và tiến xuống đánh thắng quân Tây Sơn ở Quảng Nam, quân Trịnh đã có biểu hiện suy yếu. Thu hàng Tây Sơn, quân Trịnh ngưng chiến và sau đó bị dịch bệnh hoành hành, quân bị thương vong khá nhiều. Cuối năm 1775, Hoàng Ngũ Phúc kiến nghị Trịnh Sâm bỏ Quảng Nam rút về Thuận Hóa rồi trở về bắc. Trịnh Sâm chấp thuận.

Thế lực họ Nguyễn ở Quảng Nam thấy quân Trịnh rút đi bèn nổi dậy định chiếm cứ nhưng Nguyễn Nhạc đã điều binh đánh tan lực lượng này và chiếm Quảng Nam. Trịnh Sâm thấy Quảng Nam xa xôi hiểm trở và ngại dùng binh, nhân đấy mới trao cho Nguyễn Nhạc trấn giữ[4].

Năm 1778, sau khi giết được hai chúa Nguyễn, Nguyễn Nhạc tự xưng làm vua, đặt niên hiệu Thái Đức. Chúa Trịnh dù biết nhưng không hỏi đến. Trấn thủ Thuận Hóa của họ Trịnh là Phạm Ngô Cầu được đánh giá là người tham lam nhút nhát, tham tụng Hồ Sĩ Đống từ Thuận Hoá về kinh, đã nhiều lần xin bổ viên tướng khác thay cho Ngô Cầu, nhưng Trịnh Sâm không nghe theo[4].

Năm 1782, Trịnh Sâm chết, hai con là Trịnh KhảiTrịnh Cán tranh nhau làm chúa. Trịnh Khải giết người phụ tá Hoàng Đình Bảo của Trịnh Cán (còn nhỏ), giành lấy ngôi chúa. Thủ hạ của Đình Bảo là Nguyễn Hữu Chỉnh chạy vào nam đầu hàng Tây Sơn.

Tháng 3 năm 1786, dân Bắc Hà bị nạn đói, giá gạo tăng vọt, thây chết nằm liền nhau. Trịnh Khải hạ lệnh ai nộp của sẽ trao cho quan chức, nhưng không ai hưởng ứng, bèn dùng sắc lệnh bắt ức nhà giàu để lấy tiền chia ra phát chẩn[4].

Nhận thấy thời cơ đánh Bắc Hà, Nguyễn Huệ đề nghị Nguyễn Nhạc đánh ra bắc nhưng Nguyễn Nhạc ngần ngại chưa quyết[5].

Sang tháng 4 năm đó, Phạm Ngô Cầu sai sứ là Nguyễn Phú Như vào Quy Nhơn mượn tiếng trao đổi vấn đề biên giới, nhưng thực ra muốn dò tình hình Tây Sơn. Phú Như vốn có quen biết với Nguyễn Hữu Chỉnh, bèn mang tình hình Thuận Hóa nói lại. Hữu Chỉnh bèn xin Nguyễn Nhạc ra quân đánh Thuận Hóa. Lúc đó Nguyễn Nhạc mới quyết định.